Chương VIII: Bảo trợ xã hội

Điều 44. Trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng

1. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:

a) Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này;

b) Người khuyết tật nặng.

2. Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm:

a) Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;

b) Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng;

c) Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

3. Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này là trẻ em, người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp cao hơn đối tượng khác cùng mức độ khuyết tật.

4. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với từng loại đối tượng theo quy định tại Điều này do Chính phủ quy định.

Điều 45. Nuôi dưỡng người khuyết tật trong cơ sở bảo trợ xã hội

1. Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.

2. Nhà nước cấp kinh phí nuôi dưỡng người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này cho các cơ sở bảo trợ xã hội bao gồm:

a) Trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng;

b) Mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày;

c) Mua thẻ bảo hiểm y tế;

d) Mua thuốc chữa bệnh thông thường;

đ) Mua dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng;

e) Mai táng khi chết;

g) Vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với người khuyết tật là nữ.

3. Chính phủ quy định mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng và kinh phí quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 46. Chế độ mai táng phí

Người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ chi phí mai táng khi chết. Chính phủ quy định mức hỗ trợ chi phí mai táng.

Điều 47. Cơ sở chăm sóc người khuyết tật

1. Cơ sở chăm sóc người khuyết tật là cơ sở nuôi dưỡng, cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp người khuyết tật.

2. Cơ sở chăm sóc người khuyết tật bao gồm:

a) Cơ sở bảo trợ xã hội;

b) Cơ sở dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật;

c) Trung tâm hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập;

d) Cơ sở chăm sóc người khuyết tật khác.

3. Chính phủ quy định điều kiện thành lập, hoạt động, giải thể cơ sở chăm sóc người khuyết tật.

4. Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động cho cơ sở chăm sóc người khuyết tật công lập.

Điều 48. Trách nhiệm của cơ sở chăm sóc người khuyết tật

1. Tuân thủ điều kiện hoạt động của cơ sở chăm sóc người khuyết tật; thực hiện đầy đủ các quy chuẩn về nuôi dưỡng, cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp người khuyết tật tương ứng với từng loại cơ sở.

2. Thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.

Share via:

EmailFacebookTwitterGoogleLinkedin