Chức Năng Và Nhiệm Vụ Của Phòng Âm Nhạc

Âm nhạc có thể mang đến cho con người ta những phản ứng tình cảm dễ chịu, thoải mái và bình tĩnh, hay kích thích sự sáng tạo và hứng khởi. Sức mạnh của âm nhạc còn giúp ta loại bớt cảm giác tiêu cực từ những việc đã qua, có thể lọc ra những thông điệp lành mạnh và tích cực nhất. Vì vậy, âm nhạc là một trong những nhu cầu thiết yếu đối với đời sống tâm lý, văn hóa, xã hội của loài người. Có âm nhạc, con người cảm thấy yêu đời hơn, gần gũi nhau thêm và mang lại sự cân bằng về tâm - sinh lý. Ngoài việc hưởng thụ về mặt cảm xúc, âm nhạc còn có công dụng trong việc điều trị một số bệnh lý , đặc biệt là những bệnh thiên về phương diện tâm thần.

Ngay cả những người đang khỏe mạnh cả về mặt thể chất lẫn tinh thần vẫn cần đến âm nhạc nhằm giúp giảm thiểu những căng thẳng. Âm nhạc có tác dụng lôi cuốn, hòa hợp, đi vào tiềm thức con người. Khi ta bước vào một căn phòng có âm nhạc, những ưu tư trong đầu như được xua tan và cơ thểnhư hòa với điệu nhạc thư giãn. Hơn thế, âm nhạc còn kích thích những hoạt động về thể chất, mang lại cảm giác phấn chấn, khiến ta không để ý tới cảm xúc đau đớn, không vui, không muốn... Điều này lý giải vì sao khi thưởng thức âm nhạc, nhiều người có khuynh hướng làm việc bền bỉ và hăng hái hơn.

Đối với những người khiếm thị, những người mất đi thị giác thì kênh thu nhận thông tin chính là thính giác thì âm nhạc lại càng đóng vai trò quan trọng hơn ai hết. Người khiếm thị tiếp nhận thế giới quan muôn màu, muôn vẻ thông qua sự đa dạng và phong phú của âm thanh. Chính vì vậy mà hình thức âm thanh hóa mọi hoạt động trong đời sống là một trong những nét đặc trưng nhất của những người có tật về thị giác. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy khả năng phân tích âm thanh cũng như cảm thụ âm nhạc của người khiếm thị chiếm ưu thế hơn những người không khuyết tật hay mắc những khuyết tật khác. Thực tế cũng đã chứng minh có rất nhiều những người khiếm thị thành công rực rỡ trên con đường nghệ thuật âm nhạc. Và hơn hết, những người khiếm thị lại luôn có xu hướng chọn nghề nghiệp dựa trên việc khai thác tìm năng của âm nhạc hoặc gắn liền với âm nhạc. Nhận thấy tầm quan trọng và sự ảnh hưởng lớn của âm nhạc đối với cộng đồng người khiếm thị, Trung Tâm Hướng Nghiệp Và Công Nghệ Trợ Giúp Cho Người Mù Sao Mai đã mở rộng phạm vi hoạt động của mình. Với sự am hiểu thấu đáo về đời sống người khiếm thị cũng như có được đội ngũ âm nhạc khiếm thị chuyên nghiệp nên Trung Tâm Sao Mai đã mạnh dạn đặt ra những mục tiêu và nhiệm vụ mới mang tính thách thức cao.

1. Đào tạo nhạc cho người khiếm thị.

Mở các lớp dạy nhạc cụ như: Piano, Organ, guitar và các lớp đàn cổ...  với mục tiêu chính là trang bị kỹ năng sử dụng nhạc cụ cho người khiếm thị tham gia vào lãnh vực nghề nghiệp âm nhạc.

2. Thành lập ban nhạc khiếm thị chuyên nghiệp.

Lựa chọn những nhân tuyển khiếm thị có kỹ năng sử dụng nhạc cụ tốt tham gia vào ban nhạc để lưu diễn. Mục tiêu là tạo ra một hình thức nghề nghiệp âm nhạc mới và giới thiệu cho cộng đồng xã hội về năng lực âm nhạc thật sự của người khiếm thị.

3. Tổ chức các chương trình biểu diễn

Dàn dựng những chương trình ca nhạc chất lượng cao do chính người khiếm thị biểu diễn để gây quỹ. Mục tiêu chính là tạo điều kiện để người khiếm thị chứng tỏ khả năng âm nhạc của mình với cộng đồng và có nguồn quỹ duy trì hoạt động hỗ trợ người khiếm thị.

4. Tổ chức các cuộc thi âm nhạc

Phát động các cuộc thi âm nhạc rộng rãi trong giới người khiếm thị nhằm mục tiêu tạo ra sân chơi lành mạnh và bổ ích cho người khiếm thị. Xây dựng lực lượng âm nhạc kế thừa và phát hiện những tài năng âm nhạc khiếm thị mới.

5. Cung cấp các sản phẩm âm nhạc

Phát hành những chương trình ca nhạc mang tính chuyên môn cao do người khiếm thị thực hiện. Giới thiệu, tư vấn và cung cấp các dụng cụ âm nhạc cho cộng đồng, xã hội.

Share via:

EmailFacebookTwitterGoogleLinkedin