Xã Hội Học Về Dư Luận Xã Hội

Xã Hội Học Về Dư Luận Xã Hội

Xã Hội Học Về Dư Luận Xã Hội

Tác giả: Chưa rõ
Chủ đề: Xã hội học
Thể loại: Tham khảo - Nghiên Cứu
Định dạng: Braille All Contractions, Daisy Audio With Text, Epub

Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí

Nhà xuất bản ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
Nhà xuất bản sách tiếp cận Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai
Năm xuất bản 2011
Coppy right NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Trong CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THÔNG TIN ĐẾN NĂM 2010,được ban hành kèm theo Quyết định số 219 2005/QĐ-TTg ngày 09 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ, một trong các chiến lược được đề cập là "Hoàn thiện phương thức và cơ chế phối hợp để xử lý có hiệu quả thông tin phản hồi của nhân dân đóng góp, phản ánh với Đảng và Nhà nước; nâng cao chất lượng điều tra dư luận xã hội (DLXH); tăng cường hệ thống thông tin đối ngoại, chủ động đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch”. Trong báo cáo của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung Ương tại hội nghị về Hội nghị Tư tuởng - Văn hóa toàn quốc tổng kết công tác năm 2005 và triển khai nhiệm vụ năm 2006 cũng đã khẳng định cần “Thành lập Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, củng cố tổ chức và mạng lưới cộng tác viên nghiên cứu, điều tra dư luận xã hội từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương” (Báo Nhân Dân, số ra ngày 3 tháng 1 năm 2006) như một biện pháp thực hiện nhiệm vụ về Văn hóa Tư tưởng năm 2006. Sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đến việc nghiên cứu về dư luận xã hội (DLXH) đã và đang được thể chế hóa bằng những văn bản pháp luật và về mặt tổ chức.

Kể từ khi được coi là chính thức ra đời năm 1922, Xã hội học về DLXH đã có những bước tiến hết sức to lớn về mặt lý thuyết cũng như về phương pháp nghiên cứu. Những phân tích của Walter Lippmann về những “khuôn mẫu tư duy’’,về “báo chí và dư luận xã hội, cũng như những phân tích của F. Tonnies về “trạng thái của DLXH” vẫn còn nguyên giá trị trong nghiên cứu về DLXH hiện nay. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng đề xuất ra những lý thuyết mới như “Vòng xoắn im lặng”, ‘‘Thủ lĩnh ý kiến” v.v. rất hữu ích đặc biệt trong việc phân tích về mối quan hệ giữa truyền thông đại chúng và DLXH. Một mảng đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu về DLXH đó là những quan điểm Mác xít về DLXH trong đó một luận đặc biệt quan trọng cho việc nhận thức về nó là “DLXH luôn có tính giai cấp, tức là luôn bảo vệ lợi ích của chủ thể.”

DLXH là một hiện tượng đa chiều. Nó tham gia và có mặt ở nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, những nghiên cứu về DLXH thường mang tính chất liên ngành xã hội học, tâm lý học xã hội, khoa học chính trị. Trong cuốn sách này, chúng tôi cố gắng giới thiệu một cách tiếp cận tổng hợp và hệ thống về DLXH trên nền tảng của những nguyên lý xã hội học cơ bản. Những nguyên tắc đó là chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, thực chứng chủ nghĩa, cũng như nguyên tắc thấu hiểu (verstehen) của Weber.

Cuốn sách các bạn đang cầm trên tay chính là kết quả của hơn 15 năm giảng dạy và nghiên cứu Xã hội học về DLXH của tác giả. Đây chưa phải là một thời gian dài, nhưng khoảng thời gian này cũng đủ để một chuyên ngành, vốn đã có lịch sử trên thế giới có được những định hình cơ bản về mặt chương trình cũng như nội dung bài giảng tại Việt Nam. Chuyên ngành Xã hội học về Dư luận Xã hội được giảng dạy chính thức lần đầu tiên cho lớp cử nhân Kinh tế-Xã hội của Bộ Lao động - Thương Binh - Xã hội năm 1991 với thời lượng 1 đơn vị học trình. Từ năm 1992,khi khoa Xã hội học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội thành lập, chuyên ngành này được đưa vào chương trình dành cho sinh viên chính qui với thời lượng 2 đơn vị học trình, cũng như trong chương trình sau đại học. Chuyên đề nghiên cứu về “Dư luận Xã hội trong Quản lý Xã hội” cũng được giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành Quản lý xã hội từ năm 2001. Bên cạnh đó chuyên đề “Truyền thông đại chúng và dư luận xã hội” cũng được chúng tôi giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành tâm lý học và một phần cho sinh viên ngành báo chí.

Cuốn sách “Xã hội học về Dư luận Xã hội” gồm 11 chương: 7 chương về những vấn đề lý thuyết về DLXH như đối tượng nghiên cứu, bản chất của DLXH, lịch sử những lý thuyết chính về DLXH, hành vi và qui luật của DLXH, chức năng của DLXH, mối quan hệ giữa truyền thông đại chúng và DLXH và 4 chương trình bày về qui trình thực hiện, những phương pháp thu nhập DLXH cũng như về các tổ chức thực hiện công việc này.

Cuốn sách này không thể trở thành hiện thực nếu như không có sự giúp đỡ nhiệt tình của nhiều người. Tôi xin chân thành cám ơn các sinh viên yêu quí của tôi đã có những phản hồi với những bài giảng,xin cám ơn các đồng nghiệp của tôi tại khoa Xã hội học về những đóng góp cho chương trình và cuốn sách, cám ơn Ban Chủ nhiệm Khoa Xã hội học và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội đã tạo mọi điều kiện cho tôi thực hiện cuốn sách này, cám ơn Giáo sư Karl Fields, trường Đại học Puget Sound thành phố Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ đã góp ý cho tôi về cấu trúc cuốn sách, cám ơn nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội đã tạo điều kiện để cuốn sách nhanh chóng đến với bạn đọc. Cuối cùng xin cảm ơn gia đình và người thân đã động viên và hỗ trợ tôi về mọi phương diện để tôi có thể yên tâm thực hiện cuốn sách.

Cuốn sách này hướng đến công chúng là các sinh viên các ngành xã hội học, tâm lý học, khoa học quản lý, báo chí, các nhà nghiên cứu, các nhà thực hành và quản lý về DLXH. Nó cũng giành cho tất cả những ai quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu dư luận xã hội.