Dự Án Hỗ Trợ Sinh Viên Khiếm Thị

Dự án Hỗ trợ Sinh viên Khiếm thị là một dự án dài hạn nhằm giải quyết các khó khăn, thách thức trong vấn đề giáo dục nâng cao của người khiếm thị Việt Nam.

Dự án được thực hiện từ năm 2007 bởi Trung tâm Tin học vì Người mù Sao Mai và được tài trợ bở Hội đồng Giáo dục Thế giới cho Người Khiếm Thị (ICEVI, International Council for Education of People with Visual Impairment), www.icevi.org và quỹ Nippon, www.nippon-foundation.or.jp/

Hiện nay, học sinh, sinh viên khiếm thị Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận giáo dục như thiếu nguồn tài liệu học tập, nghiên cứu, trang thiết bị trợ giúp, định hướng di chuyển, thiếu những môi trường giáo dục hòa nhập tại các trường trung học cũng như cao đẳng, đại học. Bên cạnh đó, các rào cản từ phía các trường như thái độ, nhận thức đúng về khả năng cũng như các giới hạn của sinh viên khiếm thị của các trường đã gây ra những thách thức không nhỏ như hạn chế các ngành nghề chấp nhận cho sinh viên khiếm thị tham gia học tập, phương pháp đào tạo không phù hợp trong môi trường giáo dục hòa nhập dẫn đến bỏ rơi, cô lập sự tham gia của sinh viên khiếm thị.

Vì vậy, dự án chúng tôi muốn là một phần trong việc hỗ trợ và cung cấp giải pháp cho các khó khăn, thách thức còn vướng mắc trên.

Hiện dự án này đang được ICEVI triển khai tại 4 nước trong khu vực Đông Nam Á là Cambodia, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Dự án được thực hiện thí điểm tại Indonesia vào năm 2007 và mở rộng đến Philippines và Việt Nam vào năm 2008, Cambodia vào năm 2010. Dự án sẽ kết thúc vào cuối năm 2011.

Để duy trì và phát triển kết quả đạt được từ dự án, chúng tôi, bao gồm nhưng không giới hạn, Trung Tâm Tin Học Vì Người Mù Sao Mai, Hội Người Mù Việt Nam ICEVI và các tổ chức đối tác sẽ tiếp tục xây dựng một Trung Tâm Hỗ Trợ Sinh Viên Khiếm Thị Việt Nam ngày càng hiệu quả và thiết thực.

Nguồn kinh phí để duy trì và phát triển sau khi kết thúc dự án thường là một bài toán khó cho các tổ chức phi lợi nhuận như chúng tôi. Vì thế, chúng tôi rất mong sự tham gia đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Hình thức tham gia đóng góp mang tính đa dạng, nhằm phục vụ một mục tiêu duy nhất là: Tăng năng lực học tập của học sinh, sinh viên khiếm thị Việt Nam. Các hình thức đóng góp bao gồm như:

- Giới thiệu chương trình này đến với cộng đồng và đặc biệt là những học sinh, sinh viên khiếm thị

- Tình nguyện tham gia các hoạt động của chương trình được thông báo trên trang web này như chia sẻ tài liệu, đọc sách, nhập liệu, xử lý văn bản, thu thập tài liệu, dịch thuật...

- Đóng góp tài chính cho các hoạt động dự án cần kinh phí; mua trang thiết bị trợ giúp học tập; học bổng cho sinh viên khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn, xuất sắc.

Tất cả các thông tin đóng góp, chia sẻ đều được cập nhật trên trang web này.

Vài lời từ Trưởng dự án:

"Cũng là một người khiếm thị, một thành viên trong xã hội Việt Nam nói riêng và rộng hơn là một thành viên của thế giới chung như bao người khác, tôi tin tưởng vào tri thức thông qua học tập, rèn luyện chính là chìa khóa mở cửa kho báu thành công của nhân loại.

- Nếu bạn là người không có khuyết tật về thể chất như thị lực, vận động, thính lực..., bạn hãy cùng tin với tôi những người khuyết tật về thể chất, hoàn toàn có khả năng mở kho báu thành công như bạn nếu bạn tin vào họ.

- Còn nếu bạn là người khuyết tật, bạn hãy cùng tin với tôi bạn luôn luôn và mãi mãi là một thành viên chính thức của xã hội chung như bao người khác. Vì thế, bạn cần phải chia sẻ trách nhiệm về sự phát triển của xã hội đó cũng như bao người khác. Hãy tin vào bạn rồi bạn sẽ nhận thấy mọi người đã, đang và sẽ tin bạn.

Tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến ông Larry Campbell, nguyên Chủ tịch ICEVI, vừa là một người bạn, một đồng nghiệp và cũng là người đã khởi động nhiều chương trình hỗ trợ người khiếm thị Việt Nam trong đó có dự án này. Bên cạnh đó, cũng xin gửi lời cám ơn đến các đồng nghiệp tại quỹ Nippon.

Đồng thời, cũng cho tôi xin thay mặt Trung tâm Sao Mai gửi lời cám ơn những cá nhân, tổ chức đã và đang trực tiếp tham gia vào các hoạt động của dự án như Hội Người Mù Việt Nam, Viện Chiến Lược Giáo Dục Việt Nam, ĐH Sư Phạm TPHCM, ĐH Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn, các nhóm tình nguyện viên và nhóm sinh viên khiếm thị...”

Chúc sức khỏe và thành công,

Đặng Hoài Phúc

Share via:

EmailFacebookTwitterGoogleLinkedin