Điều 23: Quyền được tôn trọng gia đình và tổ ấm

1. Các Quốc gia thành viên của Công ước này cam kết thực hiện các biện pháp phù hợp và hiệu quả để xoá bỏ sự phân biệt đối xử đối với người khuyết tật ở tất cả các vấn đề liên quan đến hôn nhân , gia đình, quyền làm cha làm mẹ, và các vấn đề có liên quan khác, trên cơ sở bình đẳng như những người khác, nhằm đảm bảo: 

(a) thừa nhận quyền của tất cả người khuyết tật ở độ tuổi kết hôn được kết hôn và xây dựng gia đình trên cơ sở hoàn toàn đồng ý và tự nguyện của hai bên nam nữ;

(b) thừa nhận quyền của người khuyết tật tự do và tự chụi trách nhiệm trong việc quyết định về số con cái và khoảng cách sinh giữa các con và có quyền tiếp cận đến những thông tin phù hợp với lứa tuổi, tiếp cận với kiến thức về kế hoạch hoá gia đình và sức khoẻ sinh sản; cung cấp các phương tiện cần thiết để hỗ trợ họ thực hiện những quyền này; 

(c) người khuyết tật, kể cả trẻ em có quyền duy trì khả năng sinh sản của họ, trên cơ sở bình đẳng như những người khác. 

2. Các Quốc gia thành viên của Công ước này cam kết đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật liên quan đến trách nhiệm bảo hộ, trách nhiệm giám hộ, trách nhiệm ủy thác nuôi dưỡng, nhận con nuôi, hoặc những thể chế tương tự như vậy ở những nơi những khái niệm này được sử dụng trong luật pháp quốc gia; trong mọi trường hợp thì lợi ích tối ưu nhất của trẻ em sẽ được ưu tiên hàng đầu. Các Quốc gia thành viên của Công ước này cam kết đưa ra những hỗ trợ phù hợp cho người khuyết tật trong việc thực hiện nghĩa vụ nuôi dạy con cái.

3. Các Quốc gia thành viên của Công ước này cam kết đảm bảo trẻ em khuyết tật có quyền bình đẳng đối với cuộc sống gia đình. Nhằm thừa nhận những quyền này và ngăn ngừa sự giấu giếm, cấm đoán, ruồng bỏ, và cách ly trẻ em khuyết tật, các Quốc gia thành viên của Công ước này cam kết cung cấp thông tin, các dịch vụ và hỗ trợ đầy đủ và kịp thời cho trẻ em khuyết tật và gia đình trẻ em khuyết tật.

4. Các Quốc gia thành viên của Công ước này cam kết đảm bảo một đứa trẻ không bị buộc phải cách ly khỏi bố mẹ em nếu trái với ý muốn của cha mẹ em, trừ trường hợp các cơ quan có thẩm quyền chụi sự giám sát của pháp luật quyết định trong khuôn khổ pháp luật và các thủ tục được áp dụng rằng một sự cách ly như thế là cần thiết vì lợi ích tốt nhất của đứa trẻ đó. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được phép cách ly một đứa trẻ khỏi bố mẹ nó vì lý do khuyết tật của trẻ đó hoặc của một trong hai hoặc cả hai bố mẹ. 

5. Các Quốc gia thành viên của Công ước này cam kết nỗ lực để có giải pháp chăm sóc thay thế trẻ em khuyết tật trong một gia đình lớn hơn hoặc nếu không thành công thì gửi các em vào sống trong một gia đình nào đó trong cộng đồng, khi mà gia đình riêng của trẻ khuyết tật không thể chăm sóc và nuôi dưỡng các em.

Share via:

EmailFacebookTwitterGoogleLinkedin