Điều 34: Ủy ban về quyền của người khuyết tật

1. Uỷ ban về Quyền của người khuyết tật sẽ được thành lập (Sau đây gọi tắt là “Uỷ ban”) để thực hiện các nhiệm vụ được nêu ra dưới đây. 

2. Uỷ ban cần bao gồm 12 chuyên gia, kể từ khi Công ước này có hiệu lực. Sau khi có thêm 60 quốc gia phê chuẩn hay gia nhập Công ước, thì số thành viên của Uỷ ban sẽ tăng thêm sáu thành viên nữa, và sẽ đạt số lượng tối đa là 18 thành viên. 

3. Các Ủy viên trong Uỷ ban sẽ phục vụ theo năng lực riêng của họ, có phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm và năng lực được thừa nhận trên các lĩnh vực mà Công ước đề cập. Khi đề cử các ứng viên là công dân của nước mình, các Quốc gia thành viên của Công ước này  phải cam kết xem xét một cách thích đáng đến các quy định được ghi trong Điều 4.3 của Công ước này.  

4. Các Ủy viên của Uỷ ban sẽ được các Quốc gia thành viên của Công ước này bầu chọn có tính đến các yếu tố về địa lý, đại diện của các xã hội khác nhau, và đại diện của các hệ thống pháp luật chủ yếu, yếu tố cân bằng giới, và có sự tham gia của các chuyên gia là người khuyết tật. 

5. Các Ủy viên của Uỷ ban sẽ được bầu bằng cách bỏ phiếu kíntheo danh sách đề cử của các Quốc gia thành viên lựa chọn từ các ứng viên là công dân của nước họ tại các phiên họp của Hội nghị các Quốc gia thành viên. Tại các phiên họp đó, phải có tối thiểu hai phần ba tổng số các Quốc gia thành viên đến dự. Số người được bầu vào Uỷ ban sẽ là những người đạt được số phiếu nhiều nhất và thu được tuyệt đại đa số phiếu bầu của đại diện của các Quốc gia thành viên có mặt tham gia bỏ phiếu. 

6. Lần bầu cử lần đầu sẽ được tiến hành không chậm quá 6 tháng kể từ sau ngày Công ước có hiệu lực. Ít nhất là bốn tháng trước ngày bầu cử, Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ gửi thư tới các Quốc gia thành viên đề nghị trong khoảng hai tháng đề cử ứng viên của mình vào Ủy ban.  Sau đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ thành lập một danh sách theo thứ tự bảng chữ cái của tất cả những ứng viên được đề cử và ghi rõ Quốc gia thành viên nào đã đề cử họ và sẽ gửi danh sách đó tới Quốc gia thành viên của Công ước này. 

7. Các thành viên của Uỷ ban sẽ được bầu với nhiệm kỳ bốn năm. Họ có thể được bầu lại một lần. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của sáu thành viên được lựa chọn ở lần bầu cử đầu tiên sẽ chấm dứt trong hai năm, ngay sau khi đợt bầu cử đầu tiên, tên của sáu thành viên này sẽ do Chủ tạo của phiên họp được ghi trong khoản 5 Điều 34 lựa chọn bằng cách rút thăm.  

8. Việc lựa chọn sáu thành viên bổ sung cho Uỷ ban sẽ được tổ chức trong các dịp bầu cử thường kỳ, phù hợp với các khoản của Điều 34. 

9. Nếu một Ủy viên của Uỷ ban bị chết hay từ chức, hoặc tuyên bố ngừng thực hiện các nhiệm vụ của mình vì bất cứ lý do nào, thì Quốc gia thành viên đã đề cử Ủy viên đó sẽ chỉ định một chuyên gia khác có kiến thức chuyên môn tương tự và đáp ứng được các tiêu chuẩn ghi trong các khoản liên quan của Điều 34 thay thế cho đến hết nhiệm kỳ. 

10. Uỷ ban sẽ tự định ra điều lệ làm việc của riêng mình.

11. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ bổ nhiệm nhân sự  và cung cấp các trang thiết bị vật chất cần thiết để Uỷ ban hoạt động một cách hiệu quả trong khuôn khổ Công ước này; và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ triệu tập cuộc họp đầu tiên của Ủy ban. 

12. Khi có sự sự phê chuẩn của Đại hội đồng Liên hợp quốc, các Ủy viên của Uỷ ban được thành lập trong khuôn khổ Công ước này sẽ được nhận lương từ nguồn tài trợ của Liên Hợp Quốc theo thể thức và điều kiện do Đại hội đồng Liên hợp quốc ấn định căn cứ vào trọng trách trong Uỷ ban.  

13. Các Ủy viên của Uỷ ban sẽ được phép sử dụng các trang thiết bị vật chất, được hưởng các quyền ưu đãi và quyền miễn trừ khi thực hiện nhiệm vụ cho Liên Hợp Quốc theo quy định của Công ước về Quyền ưu đãi và Quyền miễn trừ của Liên Hợp Quốc. 

Share via:

EmailFacebookTwitterGoogleLinkedin