LỊCH SỬ VIỆT NAM – TẬP 7

LỊCH SỬ  VIỆT NAM – TẬP 7

LỊCH SỬ VIỆT NAM – TẬP 7

Chủ đề: Lịch sử
Thể loại: Tham khảo - Nghiên Cứu
Định dạng: Braille All Contractions, Daisy Text, Epub
Ebook:
Miễn phí

Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí

Nhà xuất bản NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI
Nhà xuất bản sách tiếp cận Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai
Năm xuất bản 2017
Coppy right NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI

LỜI NÓI ĐẦU

Trong lịch sử Việt Nam, 1897-1918 là thời kỳ mở đầu cho những chuyển biến mạnh mẽ hơn của xã hội Việt Nam theo hướng hiện đại hóa, dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất được triển khai trên nhiều lĩnh vực và dưới tác động của những nhân tố khách quan diễn ra trên thế giới và trong khu vực lúc bấy giờ. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam chuyển từ phạm trù phong kiến, dưới sự lãnh đạo của tầng lớp văn thân, sĩ phu sang phạm trù dân chủ tư sản dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu phong kiến tư sản hóa. Lực lượng của phong trào dân tộc lúc này không chi còn là những người nông dân như trước mà đã có sự tham gia của đông đảo hơn các tầng lớp, giai cấp xã hội mới.

Với những thay đổi quan trọng trong nền kinh tế, trong sự phân hóa giai cấp xã hội và do đó trong phong trào chính trị, giai đoạn lịch sử này đã tạo tiền đề cho những thay đổi to lớn của Việt Nam ở giai đoạn sau (1919-1930) do sự tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai cũng như của những sự biến chính trị trên thế giới sau Cách mạng tháng Mười.

Vì điều đó, giai đoạn lịch sử này đã được nhiều nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước quan tâm. Nhiều công trình liên quan đã được công bố, mà một số đã được kể ra trong danh mục những tài liệu tham khảo ở cuối sách.

Ở trong nước, đó là các công trình mang tính chất thông sử về lịch sử cận đại nói chung, về lịch sử giai đoạn này nói riêng, của các nhà sử học Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Công Bình, Văn Tạo, Phạm Xuân Nam, Bùi Đình Thanh... Đó còn là những công trình mang tính chất chuyên khảo về kinh tế, văn hóa, giáo dục được xuất bản từ lâu, hay vừa mới được công bố với số lượng ngày càng nhiều.

Ở nước ngoài, có thể kể tới các công trình của các học giả Daniel Hémery, Pierre Brocheux, Charles Foumiau, Trịnh Văn Thảo, Jean Pierre Aumiphin, Patrice Morlat (Pháp); Shiraishi Masaya (Nhật); Joseph Buttinger, David Marc, Raymond F. Betts, Martin Jean Murray... (hệ Anh ngữ)

Về phía chúng tôi, trong khuôn khổ của việc thực hiện bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập của Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và trình bày thành một công trình có tên: Lịch sử Việt Nam tập VII 1897-1918.

Thực hiện công trình này, chúng tôi được thừa hưởng một khối lượng tài liệu tham khảo có thể nói là rất lớn, vừa là các công trình của các nhà thực dân, các nhà chuyên môn đương thời; vừa là các công trình nghiên cứu của nhiều học giả, trong đó có các học giả được kể ra ờ trên, vừa là nguồn tài liệu lưu trữ tại các trung tâm lưu trữ trong và ngoài nước. Trên cơ sở nguồn tài liệu đó, chúng tôi cố gắng làm cho nội dung của các vấn đề, các sự kiện lịch sử liên quan, nhất là liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XX, phong phú hơn và được trình bày cặn kẽ hơn.

Cuốn sách Lịch sử Việt Nam, tập 7: 1897-1918 có bố cục 8 chương, ngoài phần Mở đầu và Kết luận, được thực hiện bời một nhóm gồm 4 người, trong đó:

Chủ biên: PGS.TS Tạ Thị Thúy

Chương I: PGS.TS Tạ Thị Thúy, ThS. Nguyễn Lan Dung

Chương II: PGS.TS Tạ Thị Thúy

Chương IV: PGS.TS Tạ Thị Thúy

Chương V: NCV Phạm Như Thơm, ThS. Nguyễn Lan Dung

Chương VI: PGS.TS Tạ Thị Thúy, ThS. Đỗ Xuân Trường

Chương VII: PGS.TS Tạ Thị Thúy

Chương VIII: PGS.TS Tạ Thị Thúy, ThS. Đỗ Xuân Trường

Mở đầu và Kết luận: PGS.TS Tạ Thị Thúy

Thư mục sách dẫn: ThS. Nguyễn Lan Dung.

Ngoài ra, ThS. Bùi Thị Hà và ThS. Trần Thị Thanh Huyền cũng tham gia cùng nhóm trong việc sưu tầm và chỉnh lý các tài liệu tham khảo cho cuốn sách.

Hoàn thành công trình này, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức và cá nhân.

Chúng tôi xin cảm ơn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Sử học là những cơ quan chủ trì công trình.

Cảm ơn các nhà khoa học đã dụng công đọc, góp ý cho chúng tôi từ bản đề cương đến các loại bản thảo để chúng tôi xây dựng và hoàn chỉnh cuốn sách.

Cảm ơn GS.TS Shaun Kingsley Malamey, Trường Đại học Thiên Chúa giáo, Tokyo, Nhật Bản về chuyên đề: "Bệnh tật, sức khỏe và y học ở Việt Nam từ năm 1897 đến năm 1918" mà chúng tôi đã sử dụng trong cuốn sách này.

Xin cảm ơn những người đã giúp chúng tôi trong việc khai thác, sử dụng tài liệu tại các thư viện và các trung tâm lưu trữ.

Với hy vọng nàng cao hơn nữa chất lượng của cuốn sách, tăng thêm giá trị tham khảo của nó, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia cũng như của các độc giả.

Chủ biên

PGS.TS Tạ Thị Thúy